top of page

[Singapore #11] Chi phí và hướng dẫn đi lại bằng tàu điện ngầm MRT

Trong bài viết này sẽ bao gồm kinh nghiệm đi tàu điện ngầm ở Singapore, chi phí (so sánh giữa quẹt thẻ visa và sử dụng thẻ EZ-link nạp tiền trực tiếp), cách plan lịch trình theo MRT (lịch trình sẽ rõ ràng, dễ nhớ và tiết kiệm thời gian hơn, không cần phải lúc nào cũng khư khư file lịch trình bên người)




1. Thẻ đi tàu

1.1. EZ-link


Để sử dụng tàu điện ngầm MRT ở Singapore thì bạn sẽ phải mua vé lượt hoặc thẻ Ez-link (có thể dùng cho tất cả các phương tiện công cộng ở Singapore không chỉ MRT) để sử dụng nhé. Giá trị sử dụng thẻ này là 5 năm, lần sau quay lại du lịch Singapore không phải mua thẻ mới, tiện lợi vì tiết kiệm được thời gian hơn so với việc mua vé lượt.

Tại mỗi tầng hầm để bắt tàu ngầm MRT đều có quầy dịch vụ khách hàng. Tại đây, bạn có thể mua thẻ Ez-link với giá khoảng 12SGD, trong đó có 7SGD sử dụng để đi lại và 5SGD tiền phôi thẻ. Khi bạn sử dụng hết tiền trong thẻ Ez-link thì bạn có thể tới các quầy bán thẻ hoặc máy nạp tiền ở cạnh trạm tàu và nạp thêm đủ tiền thì mới tiếp tục sử dụng thẻ được nhé.


1.2. Thẻ tín dụng contactless


Từ 28/1/2021, toàn bộ thẻ thanh toán quốc tế do ngân hàng tại Việt Nam phát hành có biểu tượng hình wifi (contactless - tích hợp chip thanh toán không dây) đều có thể quẹt trực tiếp để đi các ga tàu MRT tại Sing, cực kỳ hiện đại và tiện lợi. Vợ chồng mình mỗi người 1 cái thẻ riêng, xuống sân bay có thể đi MRT ngay và luôn, không cần xếp hàng lấy thẻ hay top up gì. Điều kiện là thẻ VISA hoặc Master, có NFC - contactless, có đăng ký thanh toán quốc tế và còn hạn mức hoặc có tiền (nếu là thẻ Debit). Thông tin thêm tại: https://simplygo.transitlink.com.sg/



1.3. Chi phí

Do mình sử dụng 100% thẻ contactless nên mình sẽ đề cập đến phương thức này thôi. Mình dùng thẻ vì những lý do sau:

  • Tiện lợi và tiết kiệm thời gian (không phải mua thẻ EZ-link)

  • Phí quy đổi ngoại tệ khi quẹt thẻ thấp (cao nhất ~5%, thông thường là 3%) thì chi phí tốn thêm cho vài ngày đi lại chỉ vào khoảng 2 SGD, thấp hơn nhiều so với phôi thẻ EZ-link là 5 SGD. Hơn nữa tiền phôi thẻ là 5 SGD để được hoàn lại cũng phải quay lại quầy thông tin để đổi

  • Đi bao nhiêu tiêu bấy nhiêu. Không lo còn tiền dư như trong thẻ EZ-link, vì giá mỗi chặng tính khá lẻ, toàn x.95 SGD chẳng hạn

Mình đi 4N3Đ: Dùng thẻ của SCB hết gần 20SGD (chính xác là 19.39SGD) và quy đổi sang là ~300.000 VND, suy ra rate tầm tầm 17.300 -> 17.400 (đã bao gồm phí quy đổi ngoại tệ) (cũng tương đương đổi tiền ở ngoài tiệm vàng rate lúc đó là 17.280). Ngân hàng sẽ tính tổng tiền theo từng ngày, nên khi nhìn sao kê sẽ rõ ràng ngày nào đi hết bao nhiêu. Tổng tiền VND này đã bao gồm phí quy đổi ngoại tệ (SCB là 3%) và phí quản lý (0.5 SGD)


Ví dụ: Ngày 4 mình chỉ đi 1 trip từ trạm EW16 đến CG2 thì charge 1.97 SGD cho quãng đường 21.5 km, tổng cuối là 1.97+0.5 = 2.57 SGD (số tiền hiện trên sao kê cột MRT Sing) -> số tiền cuối sẽ quy đổi theo tỉ giá hiện tại cộng thêm 3% tức là

2.57*(tỉ giá+0.03)= 44.775 VND -> tỉ giá hôm đó NH lấy là 17.422


Chi phí từng chặng đối với thẻ contactless thì sẽ không hiện cụ thể trên màn hình cổng ra vào MRT như lúc quẹt thẻ như EZ-Link mà chỉ hiện chữ "Simply Go", nhưng mức phí di chuyển giữa 2 loại thẻ contactless và EZ-link thì là giống nhau nhé. Chỉ khác là thẻ contactless charge thêm phí quy đổi ngoại tệphí quản lý áp dụng cho thẻ ngân hàng phát hành ở nước ngoài.

Có thể tra riêng phí từng chặng tại https://www.lta.gov.sg/content/ltagov/en/map/fare-calculator.html, ví dụ trip 1 mình đi từ trạm CG2 đến EW16 thì charge 1.97 SGD cho quãng đường 21.5 km. Các bạn có thể add nhiều trip để tính tổng tiền trong ngày


2. Cách đi từ sân bay Changi về trung tâm thành phố Singapore

Xuất phát tại trạm MRT Changi Airport CG2 và bắt tàu để đi tới trạm EW4. Đây là điểm cuối và mọi người sẽ xuống để di chuyển tiếp tới Platform B để tiếp tục bắt tàu line xanh lá EW (East-West) đến điểm cần xuống (cả 2 hướng đều là Tuas Link). Ví dụ mình xuống tại trạm MRT Outram Park EW16 tức là mình sẽ đi tiếp từ EW4 đến EW16 không cần phải đổi line, cực kỳ tiện lợi vì kéo hành lý chuyển line sẽ khá mất thời gian.

Đối với điểm đến ở line không phải xanh lá thì các bạn cần tìm một trạm giao giữa xanh lá và line cần đến để chuyển line. Ví dụ cần xuống trạm MRT Little India thì có thể đi từ EW4 đến Bugis (EW12/DT14) rồi chuyển line xanh dương DT (Downtown) đến Little India (NE7/DT12).


3. Các app mình sử dụng để tìm đường MRT

Google map:

Ưu điểm: app phổ biến, quen dùng

Nhược điểm: Google Map bên Sing đôi khi khó dùng, tại nó lác như điên ở mấy đoạn chỗ tàu điện ngầm hoặc mall tầng hầm B1, B2, ... và nhiều khi chỉ lòng vòng. Mình đoán do nhiều tầng nên nó ko biết chỉ thế nào, hoặc do mình đi nhanh quá cái chấm xanh nó ko chạy theo kịp :((


Moovit:

Ưu điểm:

  • Chỉ rất rõ các platform (sân ga) ở MRT, vì có những ga mình đến có tới 2 tầng và 4 platform A, B, C, D do giao giữa 2 line, nếu ko rõ cần tới platform nào sẽ dễ đi xuống nhầm thang hoặc nhầm bên

  • Ghi rõ luôn giá tiền của từng chặng, trong trường hợp có thể đi MRT từ các line khác nhau thì dễ dàng thấy option rẻ nhất. Cũng có thể so sánh giữa giá tiền đi Bus và MRT.




HEREWeGo:

Ưu điểm: chỉ rất rõ tất cả các Exit của MRT (cái này mình thấy quan trọng, vì ra sai Exit là đi lòng vòng mất tgian). Ngoài ra để xác định đúng Exit thì nên chịu khó quan sát bảng chỉ dẫn ở chỗ quẹt thẻ ra khỏi MRT vì mình thấy bảng chỉ dẫn khá chi tiết

Ví dụ trạm Outram Park có tới 8 Exit, mình muốn tới Dorsett Singapore, theo app mình sẽ có thể ra ở Exit H hoặc Exit G. Tuy nhiên khi ra khỏi MRT mình thấy có biển chỉ dẫn Exit H có thang máy lên thẳng sảnh khách sạn nên sẽ ra ở Exit H luôn. Nếu ra nhầm ở Exit B chẳng hạn thì phải đi bộ khá xa và phải băng qua đường mới đến được.



3. Cách plan lịch trình theo bản đồ MRT

Dựa vào trạm MRT gần nhất so với khách sạn, bạn có thể plan lịch trình tham quan ăn uống dọc theo các trạm cùng 1 line hoặc quanh cùng 1 khu vực. Sau đó tự ước chừng thời gian ở mỗi địa điểm để note thêm giờ dự kiến (từ sáng đến tối). Còn nếu dư dả thời gian thì không cần note thời gian cũng được, cứ đi từ từ trải nghiệm hết, xong mệt thì về nghỉ sớm hoặc skip một số điểm không quan trọng.

Dưới đây là một số ví dụ mang tính tham khảo, giả sử khách sạn mình gần trạm Outram Park, mình có thể xuất phát từ line EW16 xanh lá hoặc NE3 tím.


Ví dụ Plan theo line xanh lá EW:

Xuất phát từ MRT OUTRAM PARK (hướng Pasir Ris)

-> MRT RAFFLE PLACE: Checkin Merlion Park (Sư Tử Phun Nước), khách sạn Fullerton

-> MRT CITY HALL: Mua sắm / ăn trưa tại Funan, Tham quan National Gallery Singapore

-> MRT BUGIS: Đền thờ Sultan Mosque, Phố đi bộ Haji Lane, Mua sắm tại Bugis Junction

-> MRT KALLANG: Ăn tối cháo ếch Geylang

-> đi hướng ngược lại để về lại MRT OUTRAM PARK


Hoặc các bạn có thể plan đi theo chiều ngược lại, ví dụ thế này:

Xuất phát từ MRT OUTRAM PARK (hướng Tuas Link)

-> MRT TIONG BAHRU: Ăn sáng và mua sắm tại Tiong Bahru Plaza

-> MRT QUEENSTOWN: Ăn trưa Cua Sốt Ớt tại Uncle Leong, tham quan Bảo tàng Kem

-> MRT JURONG EAST: Vui chơi tại Snow City, Ăn tối và mua sắm tại IMM/ Jem

-> đi hướng ngược lại để về lại MRT OUTRAM PARK


Ví dụ Plan theo khu vực Orchard:

Xuất phát từ MRT OUTRAM PARK (hướng Punggol)

-> MRT DHOBY GHAUT: Checkin Fort Canning Tree Tunnel, Ăn sáng tại Plaza Singapura

-> MRT ORCHARD: Mua sắm tại Orchard, Ăn bánh mì kẹp kem

-> MRT NEWTON: Ăn trưa tại Newton Food Centre

-> MRT LITTLE INDIA: Tham qua khu Tiểu Ấn, Mua sắm tại Mustafa Centre

-> MRT CLARKE QUAY: Ăn tối Song Fa Bak Kut Teh, du thuyền trên sông

-> MRT OUTRAM PARK





2,379 views0 comments
bottom of page